Quan điểm về nhân quyền của Chính phủ Việt Nam Nhân quyền tại Việt Nam

Theo Sách trắng Nhân quyền Việt Nam 2018 do Bộ Ngoại giao Việt Nam cung cấp, Nhà nước Việt Nam cho rằng quyền con người có cội rễ sâu xa từ truyền thống và lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, một dân tộc coi trọng tinh thần hòa hiếu, khoa dung, nhân đạo, yêu chuộng hòa bình và các giá trị nhân văn. Những giá trị tạo nên nguồn cội và cơ sở để quyền con người được phát triển ở Việt Nam được kết tinh, hun đúc trong đời sống lao động, phát triển quan hệ với quốc gia khác cũng như từ quá trình đấu tranh bất khuất của nhân dân Việt Nam nhằm chống ngoại xâm, giành lại cho mình những quyền và tự do cơ bản của con người.[81]

Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng quyền con người luôn được bảo vệ và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam và người dân đã chiến đấu trong các cuộc chiến chống ngoại xâm trước 1975 chính là để giành lại quyền con người. Chính phủ Việt Nam luôn lên án các hành động lợi dụng danh nghĩa nhân quyền để can thiệp, xâm phạm chủ quyền, độc lập của Việt Nam, coi "dân chủ", "nhân quyền" thực chất là một "chiêu bài" của các nước phương Tây để can thiệp vào công việc nội bộ, quyền tự quyết của Việt Nam, là sự áp đặt trắng trợn, ngạo nghễ những giá trị không phù hợp của Mỹ và phương Tây vào tình hình cụ thể và truyền thống của Việt Nam.[82]

Nhà nước Việt Nam cho rằng quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, mọi đường lối, chủ trương, chính sách và hệ thống pháp luật của Việt Nam luôn hướng tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh". Việc lấy người dân là trung tâm của mọi chính sách đã giúp cho các nhu cầu chính đánh của người dân ngày càng được đáp ứng tốt hơn.[83]

Về phía Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Chỉ thị số 12/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 1992 về vấn đề quyền con người, Đảng này xác định: "Đối với chúng ta (Việt Nam), vấn đề quyền con người được đặt ra xuất phát từ mục tiêu của Chủ nghĩa xã hội, từ bản chất của chế độ ta và bao quát rộng rãi nhiều lĩnh vực, từ chính trị, tư tưởng, văn hóa đến kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng..."[84]

Theo Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức khác tại Geneve, Thụy Sĩ cách tiếp cận của chính phủ Việt Nam là lấy con người làm trung tâm của sự nghiệp đổi mới, phát triển, dựng và giữ nước; Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một trong những mối quan tâm lớn của Việt Nam[85]

Theo Báo cáo Quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm định kỳ phổ cập (UPR) chu kỳ II: "Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người là nguyên tắc cơ bản của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp thuận".[85]

Trong phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Khóa 22 Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh:

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo tất cả các quyền con người theo đúng các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền. Hiến pháp Việt Nam đã ghi rõ “các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng… và được quy định trong Hiến pháp và pháp luật”. Chính sách đó dựa trên nhận thức của Nhà nước Việt Nam coi quyền con người là giá trị chung của nhân loại, được tạo lập do sự phấn đấu của các dân tộc qua các thời đại, đồng thời có gốc rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Chính sách tôn trọng quyền con người của Việt Nam còn xuất phát từ nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam đã từng bị tước bỏ những quyền và tự do cơ bản nhất khi phải làm người dân một nước thuộc địa.[86]

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc:

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và xu thế chung của thời đại. Chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước ta là tôn trọng và đảm bảo các quyền con người, luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong công cuộc Đổi mới toàn diện ở Việt Nam trong suốt gần 30 năm qua, hướng tới một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đóng góp vào cuộc đấu tranh chung vì mục tiêu hoà bình và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới. [87]

Chính phủ Việt Nam cho rằng mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, và nền văn hóa do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa... nên cách tiếp cận về quyền con người có thể khác nhau[88]. Họ cho rằng chính phủ Hoa Kỳ đã gây ra nhiều tội ác tại Việt Nam, gây ra nhiều vụ thảm sát, rải chất độc hóa học và để lại nhiều hội chứng tai hại cho con người và môi trường Việt Nam đến ngày nay, vì vậy Hoa Kỳ và các tổ chức của nước này không có tư cách phê phán, chỉ trích và áp đặt Việt Nam về đề tài này.[89]

Về những nhân vật bị bắt, chính phủ Việt Nam cho rằng họ là những tội phạm hình sự đã hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, kích động lật đổ chính quyền, nhiều người trong số đó có nhận tiền, liên lạc với các thế lực chống đối ngoài Việt Nam, trong đó có tổ chức Việt Tân, bị Việt Nam liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.[90][91][92] Tại Việt Nam không có ai chỉ vì có chính kiến riêng, quan điểm chính trị khác, hay ủng hộ dân chủ mà bị bắt Họ cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam và người dân trong nước chính là nạn nhân của đàn áp dân chủ và nhân quyền trước năm 1975 vì vậy họ hiểu rõ giá trị của dân chủ, nhân quyền và luôn ủng hộ những giá trị này.[93][94]

Ngày 4 tháng 5 năm 2009, phúc đáp về Báo cáo nhân quyền, phần liên quan tới Việt Nam của Tổ chức Theo dõi nhân quyền, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói: "Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch) thường xuyên đưa ra những thông tin sai lệch về Việt Nam. Báo cáo ngày 4/5/2009 của tổ chức này là thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam".[95]

Báo cáo nhân quyền của chính phủ Việt Nam khẳng định Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân Việt Nam được thể hiện rõ qua sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Tính đến năm 2008, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí in với 850 ấn phẩm, gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ, 68 đài phát thanh, truyền hình 80 báo điện tử và hàng nghìn trang tin điện tử trên mạng Internet, 55 nhà xuất bản.

Về vấn đề pháp lý quốc tế và các công ước quốc tế về nhân quyền, ông luật sư Nguyễn Văn Hậu viết:[96] Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), khoản 3 Điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị đã quy định việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (quy định tại khoản 2 Điều 19) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này có thể bị giới hạn pháp luật vì nhu cầu: Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.

Quyền hội họp bất bạo động cũng có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý hay những quyền tự do của người khác (Điều 21).

Điều 20 của Công ước Quốc tế về quyền dân sự, chính trị cũng nghiêm cấm mọi hình thức tuyên truyền, cổ vũ chiến tranh, cũng như mọi hình thức gieo rắc căm hờn, xúi giục kỳ thị, hiềm khích, kích thích bạo động giữa các quốc gia, các chủng tộc, tôn giáo.

Tuyên bố của Hội nghị Thế giới về Nhân quyền tại Viên, Áo năm 1993 ghi rằng cần phải tính đến các đặc thù quốc gia và khu vực cũng như những nền tảng khác nhau về văn hóa, lịch sửtôn giáo của mỗi quốc gia trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Một hành vi, phát ngôn ở quốc gia này có thể không bị coi là hành vi đe dọa an ninh quốc gia và vi phạm trật tự an toàn xã hội nhưng hoàn toàn có thể bị coi như vậy ở một quốc gia khác.[96]

Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn quan tâm đến vấn đề nhân quyền và luôn bảo vệ và phát triển nhân quyền ở Việt Nam, tuy nhiên họ nhìn nhận rằng Hoa Kỳ và các nước phương Tây đang sử dụng vấn đề nhân quyền làm một công cụ, chiêu bài trong chiến lược Diễn biến hòa bình nhằm mục đích chuyển hóa, lật đổ, thay thế các chế độ xã hội chủ nghĩa.[97][98]

Trong lần sửa đổi Hiến pháp năm 2013, Hiến pháp mới thông qua đã dành riêng một chương về quyền con người tại Việt Nam (Chương II). kế thừa từ các bản Hiến pháp trước đây bản Hiến pháp 2013 tiếp tục thừa nhận nhân quyền phải được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Về cơ chế bảo đảm quyền con người, Hiến pháp năm 2013 xác định một trong các sứ mệnh của Tòa án nhân dân là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, quyền con người được Nhà nước Việt Nam quy định riêng trong một chương của Hiến pháp. Ranh giới giữa quyền con người và quyền công dân được phân định rõ ràng, khẳng định chủ thể rộng nhất của quyền con người là mọi cá nhân, mọi người đều được hưởng. Bên cạnh đó, việc đặt vấn đề nhân quyền ngay ở chương thứ hai, sau chương I về chế độ chính trị đã cho thấy việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người được Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Khoản 2, Điều 14 của Hiến pháp cũng quy định rõ: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" nhằm bảo đảm nhân quyền được thực hiện một cách cân bằng, minh bạch và lành mạnh giữa các lợi ích trong mối quan hệ giữa Nhà nước với con người, công dân, cá nhân và phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Trong Điều 15 và 16 của Hiến pháp 2013 cũng khẳng định việc không được lợi dụng nhân quyền để làm phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Trong lần sửa đổi này, Hiến pháp được bổ sung thêm 05 quyền cơ bản của con người bao gồm:

  1. Quyền được sống (Điều 19)
  2. Quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40)
  3. Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41)
  4. Quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42)
  5. Qquyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 43)

Nhà nước Việt Nam cho rằng việc bổ sung những quyền này không chỉ đảm bảo con người được sống mà còn được phát triển một cách toàn diện, bảo đảm bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc trong xã hội. Đặc biệt, Nhà nước Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng họ có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thực hiện các quyền con người.[84]

Nhà nước Việt Nam cho rằng, quyền con người thể hiện ở các khía cạnh sau:

  1. Quyền con người là khát vọng và là giá trị chung của toàn nhân loại. Quyền con người có tính phổ biến nhưng khi áp dụng tại mỗi quốc gia cần phải có những có cách áp dụng phù hợp với các đặc thù, điều kiện khách quan về văn hóa, lịch sử, địa lý cũng như các điều kiện khách quan khác của quốc gia đó.
  2. Chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết của dân tộc, quyền con người có mối liên hệ mật thiết và thống nhất với nhau.
  3. Quyền con người là sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, giữa quyền và lợi ích cá nhân với quyền và lợi ích của cộng đồng.
  4. Quyền con người liên quan mật thiết đến hòa bình, an ninh và phát triển.
  5. Việc đảm bảo và phát triển quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia.[99]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhân quyền tại Việt Nam http://www.china.org.cn/english/features/bjrenquan... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40337871_Vi%... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40835907 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/12/1512... http://transcripts.cnn.com/TRANSCRIPTS/0706/24/le.... http://www.latimes.com/news/la-na-vietnam6aug06-st... http://www.newsweek.com/apocalypse-then-157805 http://www.nhanquyenvn.com/2016/12/hoi-cuu-tu-nhan... http://vietnamupr.com/2014/06/upr-cua-viet-nam-va-... http://vietnamupr.com/ve-vietnam-upr/